Cứ đến cuối năm, dịch vụ đổi tiền mới lì xì lấy hên lại trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, do lượng tiền mới ngày càng khan hiếm đã khiến cho mức phí đổi tiền càng lúc càng tăng.

Chật vật đổi tiền mới để “chăm sóc” khách VIP

Trao đổi với PLO, cán bộ kho quỹ của một ngân hàng lớn chia sẻ: Năm nay, trong kho có rất ít tiền mệnh giá 20.000 đồng và 50.000 đồng, trong khi tiền 10.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng lại nhiều.

Số lượng tiền mặt trong kho lên đến cả ngàn tỉ mà loại 20.000 đồng chỉ còn vỏn vẹn có 20 bao. Số lượng này thì chỉ đủ để phục vụ khách siêu VIP chứ không đủ phân chia về cho các chi nhánh của ngân hàng trên địa bàn thành phố.

“Mọi năm, các khách VIP có thể đến thẳng đến chỗ chúng tôi để nhờ đổi tiền mới nhưng năm nay ngân hàng phải từ chối hết. Thay vào đó, khách VIP của chi nhánh hay phòng giao dịch nào thì chủ động liên hệ với chi nhánh hoặc phòng giao dịch đang có quan hệ tín dụng để đổi tiền mới.

Với cách làm như vậy, vừa tạo sự công bằng với các khách hàng và cũng tạo cơ hội để chi nhánh/phòng giao dịch chăm sóc khách VIP của mình”, vị giám đốc nói.

Thế nhưng không phải khách VIP nào cũng dễ dàng được đổi tiền mới. Bởi theo chị N.T – nhân viên tín dụng của một phòng giao dịch ở quận Tân Bình, tiền mới năm nay vô cùng hiếm, nhất là những phòng giao dịch nào không đạt KPI (chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động), hoặc KPI đạt nhưng tình hình kinh doanh không cải thiện cũng không có tiền mới để dành cho khách VIP.

“Tôi đang có 5 khách VIP với giá trị hợp đồng vay khá lớn, dòng tiền tốt, chưa từng có nợ xấu và có tiền VND, lẫn USD gửi không kỳ hạn trong tài khoản. Thế nhưng vì phòng giao dịch của tôi năm nay không đạt KPI nên không có tiền mới cho khách. Khi khách cần tôi phải ra chợ đen đổi và chấp nhận mất phí để chăm sóc khách VIP. Việc đổi 200 triệu loại 50.000 đồng và cắn răng chịu mức phí lên đến 8%, tôi đã mất đến 16 triệu”, chị T. kể

Một số nhà băng khác vẫn giữ chính sách đổi tiền mới cho nhân sự toàn hệ thống nhưng số lượng cắt giảm 50% so với năm trước và tiền đổi là loại tiền đã qua sử dụng nhưng còn mới khoảng 90-95%.

Phí đổi tiền mới tăng từng ngày

Không đổi được tiền mới tại các ngân hàng, nhiều nhân viên ngân hàng, người dân buộc phải đến các dịch vụ đổi tiền mới trên thị trường chợ đen. Điều đáng nói là mức phí mỗi ngày một tăng cao hơn và nguồn cung không dồi dào như nhiều năm trước.

Chị Thảo, TP. Thủ Đức cho biết: “Phí đổi tiền cứ tăng theo ngày, mệnh giá càng nhỏ thì phí càng cao. Cách đây khoảng 1 tuần, tôi đổi 100 tờ 50.000 đồng với phí đổi 6,5% thì hôm qua đã lên 7% và sáng nay đã thành 8%.

Với các mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng nguyên seri thì phí đổi là khoảng 3-3,5%; loại 100.000 đồng có mức phí khoảng 5% – 6%. Tương tự, với hàng lướt – tiền đã sử dụng, mệnh giá 100.000 đồng có độ mới khoảng 90% phí đổi là 0,7%/tép và loại mới đạt 99% thì có mức phí là 2,5%/tép.

Tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng có phí đổi dao động 10-25% tùy số lượng đổi. Riêng với mệnh giá 2.000 đồng, mức phí lên đến 50%, nghĩa là muốn đổi 200.000 đồng khách hàng phải thanh toán đến 300.000 đồng.”

Thực trạng đổi tiền trên thị trường chợ đen tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn có thể bị lừa đảo dẫn đến mất toàn bộ số tiền hoặc nhận phải tiền giả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhấn mạnh: “Mọi hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ… để hưởng % chênh lệch của cá nhân, tổ chức trên mạng xã hội đều là hành vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên có văn bản chỉ đạo, yêu cầu cán bộ ngân hàng không tiếp tay cho các hoạt động kể trên nhằm hưởng chênh lệch giá. Người vi phạm bị phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.”