Khi đường mai và phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM mở cửa cũng là thời điểm rất nhiều sản phẩm nghệ thuật của người trẻ “xuống phố” kiếm tiền dịp tết.
Có thể nói đây là những công việc giúp các bạn trẻ vừa thỏa mãn đam mê nhưng vẫn mang về nguồn thu nhập khấm khá mỗi dịp tết đến xuân về.
Đang ngồi cặm cụi làm những bức tranh theo loại hình henna artist tại một gian hàng ở đường mai (Q.1, TP.HCM), Lê Ngọc Trân (26 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) kể đây đã là năm thứ 6 cô vẽ henna tại đây. Cứ mỗi khi đường mai mở cửa cũng là thời điểm Trân thuê gian hàng ở đây và làm không ngớt tay vì lượng khách đến vẽ henna rất đông.
Năm nay ngoài vẽ henna lên tay cho khách hàng, Trân còn giới thiệu một loại hình tranh henna artist. Theo Trân, loại hình này rất nổi ở Ấn Độ và các nước châu Âu nhưng tại VN chưa nhiều người biết đến. Chính vì thế, tranh thủ những ngày đầu lượng khách còn chưa quá đông, Trân thực hiện thêm các tác phẩm henna artist để treo tại gian hàng nhằm quảng bá nhiều hơn đến khách hàng.
Trân bán các tác phẩm henna artist với giá từ 200.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng, tùy kích thước nhỏ hay lớn. Còn vẽ henna lên tay có giá từ 20.000 đồng đến 1 triệu đồng. Những hình nhỏ và đơn giản có giá 20.000 đồng, còn vẽ cả cánh tay thì giá khoảng 1 triệu đồng.
Một trong những công việc có thể vừa thỏa mãn đam mê mà cũng mang lại nguồn thu nhập ổn vào dịp cận tết chính là làm ông, bà đồ.
Sinh viên thường được nghỉ tết sớm nên những năm gần đây, Nguyễn Thị Anh Khoa, Trường ĐH Sài Gòn, lại ra phố ông đồ để thỏa mãn đam mê… cho chữ. Khoa là một trong những bà đồ rất trẻ tại phố ông đồ năm nay. Khoa kể những năm trước cứ lúc rảnh lại ra phố ông đồ chơi, các anh chị thấy có năng khiếu nên hỗ trợ và đào tạo từ từ. Thế rồi từ ngồi phụ để hỗ trợ các ông, bà đồ, năm nay Khoa được ngồi chính để cho chữ.
“Vì còn quá trẻ nên mọi người không gọi mình là bà đồ, mà là cô đồ trẻ. Nghe mọi người gọi như vậy, mình rất vui”, Khoa chia sẻ. Theo Khoa, để thu hút được khách, đòi hỏi phải thay đổi phong cách sao cho hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dùng. Mỗi năm khách hàng sẽ đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới nhiều hơn.
Với Khoa, mỗi năm tầm 2 tuần ngồi ở phố ông đồ là đủ để cô thỏa đam mê. “Sự nhộn nhịp của những ngày này và không khí đông vui ở đây làm cho mình phấn khởi, nôn nao đến tết. Thường tụi mình đã quen cảm giác làm ở phố rồi, nên cứ đến tết mà không làm ở đây là sẽ thấy như thiếu vắng điều gì đó. Làm ở đây vừa thỏa mãn đam mê vừa có thêm thu nhập”, Khoa bày tỏ.