Có thể thấy công cuộc Chuyển đổi số quốc gia đã và đang nhận được sự ủng hộ và hướng ứng sâu rộng của các thành phần xã hội, các bộ ban ngành, các tổ chức Doanh nghiệp Việt, trong đó tiêu biểu là ngành ngân hàng với nhiều hoạt động đầu tư mở rộng các dịch vụ bằng cách tích cực ứng dụng các công nghệ điện tử nhằm đơn giản hóa quy trình phục vụ khách hàng.

Ngân hàng số là gì
Theo Báo cáo “Xây dựng ngân hàng số bền vững”, IBM đã giải thích và trình bày khái niệm về ngân hàng số. Đặc điểm của nó là các sản phẩm và dịch vụ do ngân hàng cung cấp đều được thực hiện dưới dạng số hóa, nên người sử dụng thông tin (khách hàng) được tiếp cận miễn phí và đơn giản hóa đáng kể cuộc sống của họ, vì hầu hết con người hiện đại sử dụng tài nguyên điện tử. Nghĩa là, “mô hình ngân hàng như vậy được tối ưu hóa để tương tác trong thời gian thực và khái niệm “số hóa” đảm bảo những thay đổi trong công nghệ số diễn ra với tốc độ cao”.

Một số người tiêu dùng thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm “E-banking” và “Digital Banking” khi nói về ngân hàng số. Thực chất, “E-banking”- là hệ thống dịch vụ ngân hàng điện tử (bao gồm các dịch vụ như: Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking) được tạo ra để bổ sung cho các dịch vụ trên nền tảng ngân hàng truyền thống. Trong khi đó, “Digital Banking” là một loại hình ngân hàng kỹ thuật số có đầy đủ chức năng của một ngân hàng, từ cơ cấu tổ chức đến quy trình làm việc, sản phẩm dịch vụ, chứng từ và phương thức giao dịch với khách hàng. Trên thực tế, Digital Banking đòi hỏi cao về công nghệ, bao gồm sự đổi mới trong dịch vụ tài chính cho khách hàng xung quanh các chiến lược về ứng dụng kỹ thuật số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thanh toán, RegTech, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối (blockchain), API, kênh phân phối và công nghệ (American banker, 2018).

Thực trạng của Ngân hàng số tại Việt Nam và trên thế giới
Theo khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế, ngân hàng số được phát triển tiên phong ở các nước phát triển – nơi có sự phát triển cao về công nghệ, dân trí và mức sống, trong đó các ứng dụng di động (Mobile) được đặc biệt ưa chuộng bởi người dùng. Tuy nhiên, lợi thế về công nghệ hiện tại không còn là ưu thế riêng của các nước phát triển mà đã trở thành ưu thế toàn cầu. Do vậy, ngân hàng số đã lan ra nhanh chóng ở các nước đang phát triển, dần dần trở thành một hệ sinh thái chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng và trong tất cả mọi lĩnh vực nói chung.

Một số ngân hàng số điển hình trên thế giới có thể kể ra là: Barclays, Nutmeg, Atom (Anh), DSB Bank, UOB (Singapore), JP Morgan Chase (Nhật Bản), Siam Bank, Krung Thai Bank (Thái Lan), và một loạt các ngân hàng lớn toàn cầu như: Scotiabank, CitiBank, Standard Chartered Bank, Wells Fargo, OCBC… Có thể nói, hầu hết các ngân hàng lớn trên thế giới đều đã chuyển đổi thành ngân hàng số thành công trong vòng trên dưới một thập kỷ gần đây. Bên cạnh những ngân hàng truyền thống cũng có những tổ chức mới xuất hiện như là những công ty Fintech hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và điều đặc biệt là mô hình cộng sinh giữa các công ty Fintech và các ngân hàng truyền thống ngày càng trở nên phổ biến.

Theo khảo sát, tỷ lệ người Việt Nam dùng mobile banking và internet banking ở thời điểm năm 2018 lần lượt là 22% và 28%. Gần ba năm sau, quý III/2021, tỷ lệ này đã tăng lên 68% và 75%. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự dịch chuyển nhanh hơn khi kết quả từ một cuộc khảo sát của Nielsen trong năm 2021 cũng cho thấy, gần 40% người tiêu dùng tại Việt Nam cho rằng, họ sẽ sử dụng ngân hàng số thường xuyên hơn ngay cả khi Covid-19 được kiểm soát. Đây chính là nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy ngân hàng số mở rộng và phát triển.

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai các dịch vụ ngân hàng số. Phần lớn các ngân hàng ở Việt Nam đều có chiến lược số hóa và định hướng phát triển ngân hàng số. Các ngân hàng đều coi chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng sống còn, do đó, có đến 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên các công nghệ 4.0 và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và mobile.

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), 95% các tổ chức tín dụng Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data)… McKinsey cho biết, các ngân hàng tại Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực. Hệ sinh thái số, thanh toán số được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người dùng dịch vụ trên không gian số.

Lợi ích của Ngân hàng số
Chuyển đổi số đối với ngành Ngân hàng không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh khẳng định. Một trong những đặc tính để khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số là: tính dễ sử dụng, đơn giản và minh bạch, cá nhân hóa, giao hàng sáng tạo.

Đối với khách hàng, ngân hàng số giúp khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn với tiện ích tối đa, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, hỗ trợ phát triển kinh doanh trực tuyến.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng giúp nhân rộng mô hình hợp tác với doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực tài chính hay các công ty công nghệ lớn. Việc hợp tác này mang lại cho khách hàng nhiều trải nghiệm thú vị, cũng như có khả năng tiếp cận được đa dạng hóa dịch vụ với số lần giao dịch ít hơn. Đồng thời, thông qua sự hợp tác, các ngân hàng đã gia tăng được lượng khách hàng cũng như các chi phí đầu tư công nghệ.

Bên cạnh đó, việc triển khai ngân hàng số cũng sẽ thúc đẩy việc cải tiến cơ sở hạ tầng của các ngân hàng hiện nay bao gồm các mạng xã hội, các dịch vụ tin nhắn và giao tiếp với khách hàng trên tổng đài chăm sóc khách hàng. Đặc biệt là việc triển khai thêm nhiều các giải pháp xác thực bảo mật nhằm tăng cường tính an toàn cho các hoạt động trực tuyến như sử dụng các yếu tố sinh trắc học cho việc định danh người dùng hoặc xác nhận các giao dịch.

Có thể nói, “ngân hàng số” đã giúp các ngân hàng tại Việt Nam dễ dàng tiếp cận hơn với người dùng khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ Việt.

Nguồn: Tạp chí tài chính, Tạp chí ngân hàng, Thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam,Thời báo ngân hàng cũng như các trang ngân hàng khác.