Theo các chuyên gia sức khỏe, “du lịch ngủ” giúp giảm stress, cải thiện tâm trạng và tăng cường sức đề kháng. Đồng thời là thời gian để suy ngẫm và đưa ra quyết định tích cực hơn về cuộc sống và bản thân sau này.
Trốn việc đi ngủ ở một nơi xa
Trải qua một tuần đi du lịch “chữa lành” cùng bạn bè, cô bạn Quỳnh Trang trở lại với công việc hứng khởi và vui vẻ hơn trước rất nhiều. Đồng nghiệp thấy vậy liền thi nhau hỏi cô đã đi đâu, làm những gì mà tinh thần lại được “hồi sinh” thần kỳ như vậy?
Đáp lại, Quỳnh Trang tủm tỉm cười cho biết, chỉ có hai điều mà cô nhớ từ chuyến đi đến đảo Phú Quý vừa rồi đó là được ăn và ngủ thỏa thích. Dù đồng nghiệp ngạc nhiên nhưng nhiều chị em phải gật gù đồng ý, bởi với nhiều bạn trẻ hiện nay, việc thiếu ngủ và kiệt sức là chuyện diễn ra hàng ngày “như cơm bữa”.
Giống như Quỳnh Trang, Minh Hiếu cũng lựa chọn cho mình những chuyến đi “chỉ để được ngủ” theo lời cậu bạn nói. Hiếu cho biết, công việc làm nhân viên thiết kế đồ họa buộc cậu phải làm việc thâu đêm thường xuyên. Kèm theo đó là áp lực về yêu cầu của khách hàng, tiến độ công việc và chỉ tiêu doanh số dồn dập khiến Hiếu có biểu hiện trầm cảm nhẹ trong suốt một thời gian dài.“Đôi lúc mình cảm thấy như đang mắc kẹt trong lồng” – Hiếu nói – “Nhưng cuối cùng mình đã tự cho bản thân những cơ hội để phục hồi. Chỉ trong 3 tháng, mình đã đi du lịch tại 6 tỉnh thành Việt Nam như Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Hà Giang,… Mình luôn chọn những phòng nghỉ có view đẹp, nhìn thẳng ra thiên nhiên chỉ để nằm dài trên giường không làm gì cả một ngày. Cảm giác được nghỉ ngơi trọn vẹn quả thật tốt hơn bất kì liều thuốc tăng lực nào. Hơn nữa, từ phòng ngủ có cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng bày ra trước mắt là điều không phải ngày nào cũng có được. Vậy nên có lần mình đã ngủ “lăn lóc” suốt 2 ngày liền mới chịu bò ra khỏi giường để đi chơi, tham quan”.
Gần đây, dường như trào lưu du lịch tập trung vào việc nghỉ ngơi và tận hưởng giấc ngủ đang trở nên ngày càng phổ biến. Nghiên cứu từ chuỗi khách sạn Hilton chỉ ra rằng du khách không còn quan tâm nhiều đến tiện ích như hồ bơi, nhà hàng hay việc di chuyển thuận tiện đến các điểm tham quan. Thay vào đó, ưu tiên hàng đầu của họ là có được sự phục hồi năng lượng và thời gian nghỉ ngơi đầy đủ. Do đó, mong muốn có giấc ngủ sâu và đủ lành mạnh đã có ảnh hưởng đến cách du khách chuẩn bị hành lý và lựa chọn khách sạn.
Dựa trên khảo sát qua các ứng dụng du lịch và các dịch vụ đặt phòng trực tuyến, các chuyên gia du lịch đã ghi nhận một sự tăng trưởng đáng kể trong việc du khách ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương quan tâm hơn đến giấc ngủ khi đi du lịch.Trung Quốc đứng đầu với tỷ lệ người muốn tận hưởng giấc ngủ tốt lên đến 83%, tiếp theo là Thái Lan (75%), Hàn Quốc (70%), Ấn Độ (68%), Singapore (67%)… Các chuyên gia tâm lý giải thích rằng, khi cuộc sống trở nên bận rộn hơn, giấc ngủ trở thành một nguồn tài nguyên quý giá đối với nhiều người. từ đó du lịch ngủ đang trở thành một xu hướng phổ biến trong tương lai. Gần 70% người Việt tham gia khảo sát cho biết họ thực hiện du lịch chỉ để ngủ ngon, điều này cho thấy ngành du lịch Việt Nam cần thay đổi và cung cấp thêm tiện ích và dịch vụ để giúp du khách có những kỳ nghỉ thư thái và thoải mái theo nhu cầu hiện hành.
Các ứng dụng du lịch hiện nay đã thêm nhiều tính năng mới, giúp du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin về những điểm đến hấp dẫn đáp ứng được nhu cầu du lịch của mỗi cá nhân. Không chỉ vậy, chúng còn tối ưu hóa trải nghiệm của du khách bằng cách cung cấp thông tin chi tiết về những điểm đến với không khí trong lành, ẩm thực đa dạng, và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.Ở Việt Nam, thành phố Đà Lạt đứng đầu trong danh sách những điểm đến được yêu thích, với khí hậu mát mẻ, không khí trong lành và ẩm thực ngon lành. Đồng thời, Đà Nẵng với các khu nghỉ dưỡng yên tĩnh, dịch vụ tiện ích và bãi biển tuyệt đẹp cũng thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Ngoài ra, còn có các điểm đến khác như Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc), Ba Vì (Vĩnh Phúc), Ninh Bình… cũng nằm trong danh sách địa điểm lý tưởng mà các bạn trẻ Việt Nam lựa chọn cho những chuyến du lịch “đổi chỗ ngủ”.
Một kỳ nghỉ mà du khách ngay khi đến nơi đã lựa chọn leo lên giường để nghỉ ngơi thay vì tham gia vào các hoạt động khám phá và trải nghiệm đang trở nên phổ biến hơn. Vậy làm thế nào đã khiến “du lịch ngủ” trở thành một trào lưu được ưa chuộng?
Lý do đằng sau sự phát triển của “du lịch ngủ”
Tiến sĩ Rebecca Robbins, một chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ và đồng tác giả của cuốn sách “Ngủ để thành công!”, đã chia sẻ với CNN rằng thay đổi tư duy của con người về du lịch sẽ mất một khoảng thời gian dài để xảy ra hoàn toàn. “Thường thì, du lịch được liên kết với các bữa ăn lạ mắt, những điểm đến hấp dẫn và các hoạt động trải nghiệm đa dạng. Nhưng hiện nay, nhận thức của con người về việc chăm sóc sức khỏe đang dần thay đổi”, Robbins cho biết. “Dịch COVID-19 cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy xu hướng này, khi mức độ căng thẳng tăng cao gây khó ngủ hơn cho nhiều người.
“Một nghiên cứu được công bố trên Clinical Sleep Medicine chỉ ra rằng 40% trong số 2.500 người trưởng thành khẳng định họ đã ngủ ít hơn kể từ khi dịch bùng phát. Mặc dù hướng dẫn cho người trưởng thành là nên ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm, nhưng căng thẳng và việc sử dụng công nghệ quá nhiều đang dẫn đến tình trạng thiếu ngủ nghiêm trọng trong xã hội ngày nay.
Thói quen làm việc quá sức, chạy đua với deadline hay chỉ đơn giản là những thời điểm chênh vênh trong cuộc sống khiến nhiều bạn trẻ ngày nay trở nên kiệt quệ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời song song với đó là thời gian nghỉ ngơi quá ít, việc lên kế hoạch du lịch dày đặc những địa điểm một cách dồn dập như “chạy show” vô tình làm giảm đi sự thoải mái và thư giãn. do đó, hình thức du lịch lười đã ra đời. Đóng vai trò là khoảng thời gian để du khách thả lỏng, tận hưởng từng khoảnh khắc và tạo ra một trải nghiệm bổ ích cho bản thân.
Trong thời đại hiện đại, du lịch nghỉ dưỡng không chỉ là việc đến một địa điểm và điều chỉnh lại đồng hồ sinh học của bản thân, mà còn là cách để tái tạo năng lượng và kết nối với chính mình. Một chuyến du lịch như thế đòi hỏi bạn trẻ nên dừng lại, hòa mình vào từng khoảnh khắc và tận hưởng sự thư giãn một cách chân thành và sâu sắc. Không còn áp đặt lịch trình đầy căng thẳng, du khách được khuyến khích thả lỏng và tận hưởng thời gian cho bản thân một cách thoải mái và không có áp lực. Có thể là việc ngồi đọc sách, thưởng thức âm nhạc, hay đơn giản là ngắm cảnh và thả mình vào giấc ngủ sâu để tái tạo tinh thần và cơ thể.
Chuyến du lịch nghỉ dưỡng không phức tạp như nhiều người nghĩ. Đôi khi chỉ cần đến một vùng đất nhỏ, ấm áp, và dừng chân tại một khách sạn hoặc homestay xinh đẹp. Tại đây, mọi hoạt động diễn ra tự nhiên và thoải mái, không gò ép từ lịch trình. Có thể là thưởng ngoạn vẻ đẹp của sông nước, nhìn những bức tranh hoàng hôn hay đơn giản là lắng nghe tiếng mưa rơi từ mái hiên.
Buổi sáng, bạn có thể tự pha một tách cà phê, nấu một bữa ăn nhẹ và thưởng thức nó trong không gian yên bình. Buổi chiều, hãy thả mình vào những hoạt động như đi dạo, ngắm cảnh, hay khám phá văn hóa và ẩm thực địa phương. Những ngày nghỉ như vậy không chỉ giúp bạn tìm lại sự cân bằng và tĩnh lặng mà còn mang lại sự hồi phục năng lượng sau những tháng ngày bận rộn của cuộc sống hiện đại.
Nguồn: Tuổi trẻ & Pháp luật